Carnaval Áo dài “Phụ nữ Thủ đô hội nhập và phát triển”
Carnaval Áo dài “Phụ nữ Thủ đô hội nhập và phát triển” được tổ chức tại Hoàng thành Thăng Long là một trong những điểm nhấn của Lễ hội Áo dài Du lịch năm 2024 do Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố Hà Nội chủ trì phối hợp Sở Du lịch Hà Nội tổ chức sáng ngày 5/10 đã góp phần lan tỏa tình yêu Hà Nội, tình yêu áo dài truyền thống dân tộc.
Tới dự chương trình có Chủ tịch Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam Bùi Thị Hòa; Phó Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hiền; Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố Hà Nội Phùng Thị Hồng Hà; Uỷ viên Đoàn Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Thành uỷ viên, Chủ tịch Hội LHPN thành phố Hà Nội Lê Kim Anh; Giám đốc Sở Du lịch thành phố Hà Nội Đặng Thị Hương Giang cùng đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội Thành phố và hơn 1.000 đại biểu đại diện các tổ chức quốc tế, các nữ nghệ sĩ, doanh nhân, công chức, viên chức, sinh viên; phụ nữ, lực lượng vũ trang, cán bộ, hội viên phụ nữ Thủ đô...
Lan tỏa tình yêu áo dài
Với chủ đề “Duyên dáng Áo dài Hà Nội”, Chương trình trong khuôn khổ Lễ hội Áo dài du lịch Hà Nội do UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo thực hiện, thiết thực chào mừng 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô; 1.014 năm Thăng Long - Hà Nội; 94 năm thành lập Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam và Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10.
Chủ tịch Hội LHPN thành phố Hà Nội Lê Kim Anh phát biểu tại chương trình Carnaval Áo dài “Phụ nữ Thủ đô hội nhập và phát triển”.
Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Hội LHPN thành phố Hà Nội Lê Kim Anh nhấn mạnh: Hà Nội nổi tiếng là mảnh đất ngàn năm văn hiến, anh hùng; nơi hội tụ, lan tỏa tinh hoa văn hoá dân tộc với những dấu ấn đặc sắc về thiên nhiên, lịch sử, văn hóa và con người. Kinh thành Thăng Long xưa với những giá trị văn hóa, kiến trúc đồ sộ gắn liền với lịch sử các triều đại phát triển rực rỡ của Việt Nam, với 36 phố phường cổ kính lưu giữ vẻ đẹp trầm mặc và nên thơ cùng hình ảnh những người phụ nữ Hà thành trong tà áo dài kín đáo, thướt tha, lời ăn tiếng nói nhẹ nhàng, chuẩn mực. Trải qua những thăng trầm của lịch sử, tà áo dài Việt vẫn còn mãi với thời gian. Hình ảnh những người phụ nữ Thủ đô trong tà áo dài, cầm cờ hoa cùng nhân dân Hà Nội hân hoan đón mừng đoàn quân trở về tiếp quản Thủ đô vào mùa thu tháng mười 70 năm về trước để lại những dấu ấn không phai mờ về khát vọng hòa bình, tinh thần, ý chí của Hà Nội.
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế và giao thoa văn hóa ngày càng mạnh mẽ, áo dài là một phần không thể thiếu trong hành trình gìn giữ và phát huy giá trị văn hoá Việt Nam, là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam, phụ nữ Việt Nam. Cũng theo Chủ tịch Hội LHPN thành phố Hà Nội, Carnaval Áo dài “Phụ nữ Thủ đô hội nhập và phát triển” năm 2024 với chủ đề “Duyên dáng Áo dài Hà Nội” mong muốn qua đó lan tỏa tình yêu Hà Nội, yêu áo dài, mong muốn sớm đưa áo dài trở thành di sản văn hóa Việt Nam, đồng thời quảng bá về vẻ đẹp Hà Nội, văn hóa Hà Nội, con người Hà Nội, kết nối du lịch Hà Nội, kết nối từ quá khứ đến hiện tại, hướng tới tương lai.
Tại chương trình, Ban Tổ chức trao giải Cuộc thi Thử thách “Check in Hanoi” với Áo dài 2024 cho 26 tác phẩm chất lượng tốt nhất, gồm: 3 giải Nhì, 3 giải Ba, 10 giải Khuyến khích và 10 giải chuyên đề.
Đại biểu trao giải thưởng cho các tác phẩm đoạt giải Cuộc thi Thử thách “Check in Hanoi” với Áo dài 2024.
Cuộc thi là hoạt động đầu tiên trong chuỗi các hoạt động, sự kiện của Lễ hội Áo dài Du lịch Hà Nội 2024. Cuộc thi đã nhận được tổng cộng 3.465 tác phẩm dự thi từ khắp mọi miền đất nước gửi về. Mỗi tác phẩm dự thi đều thể hiện vẻ đẹp của áo dài truyền thống gắn với vẻ đẹp của Hà Nội ở mọi góc độ, qua đó nhân lên tình yêu với Thủ đô yêu dấu.
Màn đồng diễn dân vũ với áo dài của các hội viên phụ nữ Thủ đô.
Màn diễu hành áo dài của hơn 1.000 đại biểu từ Trung tâm Hoàng Thành Thăng Long hướng về Quảng trường Ba Đình, qua các tuyến phố Hoàng Diệu, Hoàng Văn Thụ, Độc Lập…
Điểm nhấn là chương trình đồng diễn dân vũ với áo dài trên nền các ca khúc “Người Hà Nội - Tiến về Hà Nội - Hà Nội những công trình” của 1014 phụ nữ Thủ đô, trao giải cuộc thi thử thách “Check in Hà Nội với áo dài” tại các điểm di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh của Thủ đô; màn diễu hành áo dài của hơn 1.000 đại biểu từ Trung tâm Hoàng thành Thăng Long hướng về Quảng trường Ba Đình, qua các tuyến phố Hoàng Diệu, Hoàng Văn Thụ, Độc Lập, thể hiện tinh thần đoàn kết, chung tay xây dựng Thủ đô hòa bình, văn hiến, văn minh, hiện đại.
Thể hiện tinh thần đoàn kết, phát huy giá trị áo dài
Chương trình được tổ chức tại Hoàng thành Thăng Long với sự tham gia của đông đảo các gia đình nhiều thế hệ, cán bộ, công chức, viên chức, các nghệ sỹ, doanh nhân, nhà thiết kế, học sinh, sinh viên đến những người lao động bình thường, hưu trí, nội trợ và một số bạn bè quốc tế. Tất cả đều chung mong muốn thể hiện tinh thần đoàn kết, phát huy giá trị áo dài.
Bà Trần Thị Lan, Chủ tịch Hội LHPN huyện Mê Linh.
Bà Trần Thị Lan, Chủ tịch Hội LHPN huyện Mê Linh cho biết: Các hội viên phụ nữ Hội LHPN huyện Mê Linh đã tích cực hưởng ứng, đồng hành trong các hoạt động. Huyện Hội xây dựng nội dụng thực hiện theo kế hoạch chỉ đạo của UBND thành phố Hà Nội, Hội LHPN Hà Nội, UBND huyện Mê Linh đến 100% hội viên phụ nữ cơ sở. Tuy phải khắc phục hậu quả sau cơn bão số 3, nhưng chị em hội viên rất hào hứng với Chương trình, triển khai tập luyện với tinh thần hăng say, nhiệt huyết và trách nhiệm, quyết tâm có màn đồng diễn, diễu hành đẹp mắt, ấn tượng để cống hiến cho thành công của Chương trình.
Còn chị Phạm Minh Phương, hội viên phụ nữ huyện Thanh Trì (Hà Nội) chia sẻ: "Bản thân tôi và tất cả hội viên phụ nữ Thanh Trì rất vui và phấn khởi khi được tham gia chương trình Carnaval Áo dài "Phụ nữ Thủ đô hội nhập và phát triển" chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2024). Đặc biệt, niềm vui, lòng tự hào được nhân lên khi được mặc lên người chiếc áo dài truyền thống, nhìn ai cũng trở nên thướt tha, xinh đẹp hơn".
Chị Phạm Minh Phương (bên phải) hội viên phụ nữ huyện Thanh Trì (Hà Nội).
Với chị Nguyễn Thị Toan, hội viên phụ nữ huyện Mê Linh (Hà Nội): Tham gia màn đồng diễn, diễu hành tại Chương trình tôi cảm thấy rất hào hứng và tự hào. Mặc dù tôi và nhiều chị em bận công việc song chúng tôi đã cố gắng sắp xếp, dành thời gian để tập luyện cùng nhau với mong muốn đem đến những màn trình diễn duyên dáng trong tà áo truyền thống dân tộc; góp phần lan toả vẻ đẹp, giá trị áo dài.
Chị Nguyễn Thị Toan, hội viên phụ nữ huyện Mê Linh (Hà Nội) duyên dáng trong tà áo dài truyền thống.
Chị Nguyễn Thị Lý, hội viên phụ nữ quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội): Tôi rất vui và phấn khởi khi được tham gia chương trình ý nghĩa, thiết thực nhân kỷ niệm kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2024). Chương trình rực rỡ như một vườn hoa với những bộ áo dài truyền thống đa dạng màu sắc. Đây cũng là chương trình, cơ hội ý nghĩa để mọi người có thể giao lưu, học hỏi, gắn kết nhau hơn.
Chị Nguyễn Thị Lý, hội viên phụ nữ quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội).
Chương trình Carnaval Áo dài “Phụ nữ Thủ đô hội nhập và phát triển” năm 2024 được tổ chức tại một không gian vô cùng linh thiêng của Thủ đô Hà Nội - đó là Hoàng Thành Thăng Long và hơn hết là để cùng nhau đón chào một sự kiện vô cùng trọng đại - kỷ niệm 70 năm ngày Giải phóng Thủ đô.
Cách đây 70 năm, vào mùa thu vàng rực rỡ, Hà Nội đã chào đón những bước chân hào hùng của đoàn quân chiến thắng trở về, mang theo ngọn cờ độc lập, tự do tung bay trên từng con phố, ngõ nhỏ. Mỗi góc phố, mỗi hàng cây nơi đây đều gắn liền với những trang sử hào hùng của Thủ đô yêu dấu - nơi trái tim của cả dân tộc.
Chương trình, góp phần tôn vinh giá trị của áo dài trong đời sống xã hội, tôn vinh nét đẹp thanh lịch - văn minh của phụ nữ Thủ đô, phát huy vai trò của phụ nữ và cộng đồng tham gia gìn giữ, phát huy giá trị của áo dài, đưa áo dài trở thành đại sứ của văn hóa, đại sứ của du lịch Thủ đô.
Nguồn: baophunuthudo.vn
Tin cùng chuyên mục
Bài viết gần đây
Cụm thi đua số 4: Tiếp tục duy trì và nhân rộng những đoạn đường, tuyến phố bích họa, nở hoa
Năm 2024, tiếp tục tham gia cuộc thi “Đoạn đường tuyến phố bích họa, nở hoa” do Hội LHPN Hà Nội phát động, Cụm thi đua số 4 gồm 6 Hội LHPN các huyện: Thường Tín, Phú Xuyên, Mỹ Đức, Ứng Hòa, Thanh Oai và Chương Mỹ đã tập trung vận động nguồn lực, phát huy vai trò của cán bộ, hội viên, phụ nữ trong việc cải tạo hiện trạng, trồng cây hoa, vẽ tranh bích họa, chăm sóc cây xanh đảm bảo vệ sinh cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp tại các khu dân cư, tổ dân phố, góp phần xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu...
Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và Hỗ trợ phát triển phụ nữ Hà Nội kỷ niệm 38 năm ngày thành lập
Sáng ngày 19/11, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và Hỗ trợ phát triển phụ nữ Hà Nội tổ chức gặp mặt cán bộ, giáo viên đang tham gia giảng dạy các lớp đào tạo nghề tại Trung tâm nhân kỷ niệm 42 năm ngày Nhà giáo Việt Nam, đồng thời kỷ niệm 38 năm ngày thành lập.
Sinh hoạt CLB Phụ nữ Thủ đô tháng 11: Tìm hiểu lịch sử từ các cổ vật tại Hoàng thành Thăng Long
Tối ngày 8/11, Câu lạc bộ Phụ nữ Thủ đô tổ chức hành trình Tìm hiểu lịch sử cho hội viên câu lạc bộ qua trải nghiệm Tour đêm tại Hoàng Thành Thăng Long.
Mái ấm khang trang cho gia đình hội viên có hoàn cảnh khó khăn huyện Ba Vì
“Mái ấm tình thương” của gia đình bà Nguyễn Thị Loan, hội viên Chi hội phụ nữ thôn Viên Châu, xã Cổ Đô, huyện Ba Vì, TP Hà Nội được khởi công từ ngày 15/6/2024, đến nay cơ bản đã hoàn thành và đưa vào sử dụng. Từ nay, gia đình bà Loan đã có một nơi ăn ở sạch sẽ, an toàn để an cư lạc nghiệp.
Hội LHPN TP Hà Nội phát động hưởng ứng ngày Pháp luật Việt Nam
Ngày 7/11, tại UBND Thị trấn Tây Đằng, huyện Ba Vì, Hội LHPN TP Hà Nội tổ chức chương trình “Phát động hưởng ứng Ngày Pháp luật Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2024” và tổ chức phiên tòa giả định tuyên truyền pháp luật phòng ngừa, ứng phó với bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em.
Hội LHPN Hà Nội chúc mừng kỷ niệm 71 năm Quốc khánh Campuchia
Sáng ngày 7/11, Đoàn công tác Hội LHPN Hà Nội do Phó Chủ tịch Lê Thị Thiên Hương dẫn đầu đã tới Đại sứ quán Campuchia thăm, chúc mừng Đại sứ Chea Kimtha cùng cán bộ, nhân viên Đại sứ quán Campuchia tại Việt Nam nhân dịp 71 năm Quốc khánh Vương quốc Campuchia (9/11/1953 – 9/11/2024).
Toàn văn phát biểu nhận nhiệm vụ của Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Tuyến
Ngày 6/11/2024, Hội LHPN Việt Nam đã tổ chức Hội nghị Công bố quyết định của Bộ Chính trị về công tác cán bộ. Tiếp đó đã diễn ra Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành TW Hội khóa XIII để kiện toàn nhân sự Ban Chấp hành, Đoàn Chủ tịch và Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam nhiệm kỳ 2022-2027.Theo Quyết định số 1638-QĐNS/TW ngày 30/10/2024, Bộ Chính trị điều động, chỉ định đồng chí Nguyễn Thị Tuyến, Ủy viên TW Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội, giữ chức Bí thư Đảng đoàn Hội LHPN Việt Nam nhiệm kỳ 2022-2027.
Đồng chí Nguyễn Thị Tuyến giữ chức Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam
Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam lần thứ 11, khóa XIII đã bầu Bí thư Đảng đoàn Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Tuyến tham gia Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Hội LHPN Việt Nam, Uỷ viên Đoàn Chủ tịch Trung ương Hội, giữ chức Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam nhiệm kỳ 2022-2027.
Ứng Hòa: Tích cực thực hiện mô hình Phụ nữ tham gia xây dựng di tích lịch sử kiểu mẫu
Phát huy vai trò của tổ chức Hội, Hội LHPN huyện Ứng Hòa đã tích cực thực hiện mô hình “Phụ nữ tham gia xây dựng Khu di tích lịch sử kiểu mẫu trong tuyên truyền thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công cộng” tại Di tích quốc gia đền Hữu Vĩnh (đền Đức Thánh Cả) thôn Hữu Vĩnh, xã Hồng Quang, huyện Ứng Hòa (Hà Nội).
Cuốn sách cuối cùng của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trước khi người về với thế giới người hiền
Cuốn sách "Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc" của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ra mắt bạn đọc nhân dịp kỷ niệm 76 năm ngày Bác Hồ ra Lời kêu gọi Thi đua ái quốc (11/6/1948 - 11/6/2024), 99 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2024) có ý nghĩa rất quan trọng. Đây là cuốn sách được Cố Tổng Bí thư dành nhiều tâm huyết về xây dựng và phát triển văn hóa Việt Nam