Nữ nghệ nhân tuồng cổ say mê việc Hội
Thôn Dương Cốc (xã Đồng Quang, huyện Quốc Oai) là mảnh đất lành cho bộ môn nghệ thuật tuồng bén rễ, phát triển và trở thành máu thịt của người làng hơn nửa thế kỷ nay... Gắn bó cùng dòng chảy ấy, nữ Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Thị Huyền không chỉ giữ gìn nghệ thuật truyền thống của địa phương mà còn mang lời ca, tiếng hát để tuyên truyền, vận động, phát triển công tác Hội Phụ nữ.
Cả nhà thuận hòa nhờ tổ chức Hội
Bà Nguyễn Thị Huyền (Ngọc Huyền) hiện là Phó Chủ nhiệm CLB Tuồng, đồng thời là Chi hội trưởng phụ nữ thôn Dương Cốc. Bà đã được Chủ tịch nước phong tặng Nghệ nhân Ưu tú vào tháng 12/2022. Năm nay đã 68 tuổi, bà có hơn 50 năm tham gia CLB Tuồng của thôn Dương Cốc và 35 năm tham gia công tác Hội Phụ nữ. Hai hành trình ấy đều rất dài, rất nhiều kỷ niệm và luôn được bà trân trọng.
15 tuổi, nghệ nhân Ngọc Huyền đã đi hát tuồng. Thuở ấy, CLB Tuồng thôn Dương Cốc mới chỉ là đội văn nghệ, sau đó lớn dần, mở rộng quy mô trở thành câu lạc bộ. Bà Huyền kể, từ xưa, Dương Cốc đã nổi tiếng là "làng ca hát của xứ Đoài". Người làng không chỉ có năng khiếu hát dân ca, mà còn có tình yêu dành cho các loại hình nghệ thuật truyền thống.
Vào thập niên 60 của thế kỷ XX, khi đế quốc Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc, các nghệ sĩ đoàn tuồng Liên khu V đã về Dương Cốc sơ tán, và đó chính là “nguồn cơn” kéo người dân Dương Cốc đến với nghệ thuật tuồng rồi “say” lúc nào không biết suốt hơn nửa thế kỷ qua.
Bà Huyền vẫn không thể quên được không khí học tuồng của người dân làng mình thời ấy. Dù sống ở thời bao cấp đầy rẫy những khó khăn mà họ vẫn say mê, tâm huyết với những câu hát, lời thoại, tiếng đàn trong tuồng. Sự say mê ấy vẫn theo bà cả khi tham gia công tác Hội. “Họ bảo tôi vác tù và hàng tổng, đang đi hát tuồng đã bận rộn lắm rồi mà còn gánh cả việc Hội Phụ nữ. Nhưng tôi lại thấy nếu biết sắp xếp hài hòa thì mình vẫn làm được cả hai, mà càng làm, càng ham ấy chứ”.
Bà Nguyễn Thị Huyền cùng con gái Nguyễn Thị Hương (hai người bên trái) tại lớp tập huấn của Hội LHPN Hà Nội cho cán bộ phụ nữ cơ sở.
35 năm tham gia công tác Hội Phụ nữ, bà Huyền nhận được rất nhiều giấy khen, bằng khen của tổ chức Hội, địa phương và thành phố. Bà cho hay, làm công tác phụ nữ rất nhiều việc, “nên muốn gắn bó thì phải nhiệt tình, có tinh thần trách nhiệm cao và đặc biệt được gia đình tạo điều kiện, ủng hộ”.
Chi hội Phụ nữ thôn Dương Cốc đã sử dụng chính tài sản vô giá của quê hương là nghệ thuật tuồng để áp dụng vào các hình thức tuyên truyền, vận động phụ nữ. “Các vở tiểu phẩm tuyên truyền tự biên tự diễn chính là điểm nhấn, nổi bật và làm nên thương hiệu của chi hội phụ nữ chúng tôi”, bà Huyền cho hay.
Bà thường là người lập kịch bản, hướng dẫn chị em diễn tiểu phẩm tuyên truyền về các chủ đề “nóng” như: Bình đẳng giới, tư tưởng trọng nam khinh nữ, xây dựng gia đình văn minh, hạnh phúc, chấp hành pháp luật, chủ trương, đường lối… “Mới nhất, tiểu phẩm “Chuyện đống rác” của chúng tôi, kể về việc giảng hòa, vận động người dân không vứt rác bừa bãi, ảnh hưởng mỹ quan, vệ sinh chung của thôn xóm đã nhận được hơn 15 nghìn lượt xem trên mạng xã hội”, bà Huyền khoe.
Nữ Nghệ nhân Ưu tú đùa, có lẽ, cái máu tuồng chảy trong người đến hơn nửa thế kỷ qua đã giúp bà có một chất giọng khỏe, trầm ấm, điệu bộ rất đi vào lòng người, nên cũng rất dễ tuyên truyền, vận động. Chẳng thế mà suốt thời gian làm công tác Hội, không biết bao nhiêu lần bà Huyền đi giảng hòa, giải vây cho phụ nữ. “Có khi mình còn bị mắng vì xen vào chuyện nhà người khác.
Nhà đó bắt người vợ phải sinh được con trai, mà chị ấy lại bệnh tật, nếu sinh nữa thì sợ yếu quá. Tôi phải phân tích đủ đường, từ cái tình đến cái lý, kiên trì mãi thì họ cũng nghe, không đòi con dâu đẻ nữa. Hay như những năm gần đây, việc tuyên truyền chị em bảo vệ môi trường, phân loại rác thải tại nguồn được đẩy mạnh, tôi cũng vừa vận động, vừa trích dẫn các văn bản pháp luật để tiếng nói của mình có sức nặng, có vậy thì chị em mới nghe”, bà Huyền chia sẻ.
Với Nghệ nhân Ngọc Huyền, làm công tác Hội Phụ nữ rất vui, cho bà học hỏi thêm nhiều kinh nghiệm. “Những kinh nghiệm ấy, trước là để cho mình, giúp mình ứng xử hài hòa trong gia đình. Tôi đi tuyên truyền công tác Hội thế nào thì trong nhà, tôi sống như thế. Vì vậy, trong nhà tôi, mẹ chồng con dâu rất hòa thuận, như những người bạn với nhau. Mẹ với con bình đẳng, con dâu rất ủng hộ mẹ tham gia phong trào Hội. Tôi với chị dâu của mình cũng mấy chục năm sống cùng nhau mà gần gũi, thuận hòa”, bà chia sẻ.
Còn có một kênh nữa giúp bà có thêm kiến thức để làm công tác Hội là Báo Phụ nữ Thủ đô. Tuần nào bà cũng nhận báo và đọc báo.
Nghệ nhân Ưu tú Ngọc Huyền trong vai Tiến Cơ, trích đoạn vở tuồng Trưng nữ vương đề cờ.
Động viên con gái làm công tác Hội
Chị Nguyễn Thị Hương là con gái thứ 2 của bà Nguyễn Thị Huyền. Hiện chị là UV Ban Thường vụ Hội LHPN xã Ngọc Mỹ kiêm tổ trưởng tổ phụ nữ xóm Gốc Gạo, thôn Ngọc Than, xã Ngọc Mỹ (huyện Quốc Oai). Theo chân mẹ, chị cũng đã gắn bó với công tác Hội được hơn 20 năm. Từ Dương Cốc, chị lấy chồng sang xã bạn, khi ấy, xóm Gốc Gạo còn là xóm mới.
Chị Hương đi họp chi bộ đã đề xuất thành lập tổ phụ nữ xóm, để có tổ chức Hội, hoạt động của các chị em sẽ thêm phong phú, góp phần vào đời sống tinh thần, vật chất của chị em. Khi được Đảng ủy xã đồng ý thành lập tổ phụ nữ xóm Gốc Gạo, chị Hương được các chị em đồng thuận ủng hộ làm tổ trưởng phụ nữ. Chị hỏi xin lời khuyên của mẹ, bà Huyền động viên con: “Nếu đã được các chị em ủng hộ thì con nên làm để không phụ lòng mọi người”.
Trưởng thành cùng niềm đam mê công tác Hội của mẹ đã rèn cho chị Hương những tác phong của tổ chức Hội. “Được mẹ đi trước, chỉ bảo cho nhiều nên tôi đã tự mình rút ra được điểm mạnh, điểm yếu của tổ phụ nữ do mình quản lý, từ đó có những cách thức tuyên truyền phù hợp”. Được biết, tổ phụ nữ xóm Gốc Gạo có điểm sáng là phát triển hội viên phụ nữ trẻ. Trong gia đình, bên ngoại thì được mẹ ủng hộ, sẵn sàng tư vấn, chỉ bảo nhiệt tình, còn về phía nhà chồng cũng rất thấu hiểu, mẹ chồng thay chị vun vén nhà cửa mỗi khi con dâu bận rộn với việc làng.
Giờ đây, ngoài những lúc bận rộn với việc của chị em phụ nữ, nghệ nhân Ngọc Huyền lại đau đáu với phát triển nghệ thuật tuồng cho lớp trẻ. CLB Tuồng thôn Dương Cốc hiện nay có hơn 30 người, vẫn sáng đèn và say sưa những tiếng ca mỗi buổi tập luyện. Người phụ nữ 68 tuổi khi được hỏi có thấy mệt, muốn được nghỉ ngơi không thì cười rạng rỡ trả lời: “Tuồng là máu, việc Hội là đam mê, có những lúc sẽ chồng chéo nhưng tôi thu xếp được. Tôi vẫn muốn cống hiến nhiều hơn nữa”.
Nguồn: baophunuthudo.vn
Tin cùng chuyên mục
Bài viết gần đây
Phụ nữ Hà Nội tham gia đắp đê, hỗ trợ nhân dân chống lũ
Nước sông Hồng đang lên nhanh vào khuya 9/9, rạng sáng 10/9 khiến nhiều khu dân cư tại Hà Nội bị ngập. Hội LHPN các cấp tại Hà Nội đã nhanh chóng vào cuộc hỗ trợ nhân dân chống lũ, giảm thiểu thiệt hại do bão gây ra.
Cán bộ, hội viên phụ nữ Thủ đô phát huy tinh thần “tương thân, tương ái” trong bão số 3
Cơn bão số 3 đi qua đã để lại nhiều thiệt hại về người và của. Nhưng, trong khó khăn cũng là lúc xuất hiện những câu chuyện đẹp về tình người. Trong đó, không thể không kể tới các cán bộ, hội viên phụ nữ Thủ đô với tinh thần “tương thân, tương ái” và trách nhiệm với cộng đồng đã tích cực tham gia phòng chống bão, hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi bão.
Các cấp Hội phụ nữ Thủ đô tích cực hỗ trợ phòng chống bão Yagi
Trước sự càn quét, ảnh hưởng của cơn bão số 3 (bão Yagi), cùng với sự vào cuộc của các cấp, ngành trên toàn thành phố, các cấp Hội phụ nữ Thủ đô đã chung tay hỗ trợ, tích cực tham gia công tác phòng chống bão.
Tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ nữ lãnh đạo, quản lý thuộc 7 xã dân tộc thiểu số
Ngày 29, 30/8/2024, Ban Thường vụ Hội LHPN Hà Nội tổ chức lớp tập huấn nâng cao năng lực cho 80 nữ trưởng thôn, Bí thư chi bộ, Trưởng, Phó Ban công tác Mặt trận khu dân cư, Chi hội trưởng, Chi hội phó các tổ chức chính trị xã hội thuộc 7 xã dân tộc thiếu số huyện Ba Vì.
Khai mạc Ngày phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo - chuyển đổi xanh
“Ngày phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo - chuyển đổi xanh” diễn ra trong ba ngày, từ nay đến hết ngày 25-8, với hơn 100 gian trưng bày, giới thiệu sản phẩm nông nghiệp, làng nghề, sản phẩm OCOP.
Đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam TP Hà Nội, nhiệm kỳ 2024-2029 bước vào ngày làm việc đầu tiên
Chiều 21-8, Đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam thành phố lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2024-2029 bước vào ngày làm việc đầu tiên với sự tham dự của 363 đại biểu chính thức đại diện cho các tầng lớp nhân dân trên địa bàn Thủ đô.
Chi bộ Ban Tuyên giáo - Gia đình xã hội tổ chức Lễ kết nạp đảng viên mới
Ngày 20/8, được sự nhất trí của Đảng ủy cơ quan Hội LHPN Thành phố Hà Nội, Chi bộ Ban Tuyên giáo - Gia đình xã hội đã tổ chức Lễ kết nạp đảng viên cho quần chúng ưu tú Nguyễn Thị Hằng Nga - Chuyên viên Ban Gia đình xã hội, Hội LHPN Thành phố Hà Nội vào Đảng Cộng sản Việt Nam.
Khám sức khỏe sinh sản cho 300 nữ phạm nhân
Các y, bác sĩ Bệnh viện phụ sản Hà Nội đã khám sức khỏe sinh sản cho 300 nữ phạm nhân.
Phụ nữ Thủ đô sinh hoạt truyền thống tại Nhà tù Hỏa Lò
Nhân kỷ niệm 79 năm Ngày Cách mạng Tháng Tám (19/8/1945 - 19/8/2024) và Quốc khánh 2-9, chiều tối 16-8, Chi bộ Ban Tuyên giáo - Gia đình xã hội (Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố Hà Nội) tổ chức sinh hoạt chuyên đề quý III tại Di tích Nhà tù Hỏa Lò.
Bàn giao mái ấm cho nữ cựu thanh niên xung phong quận Đống Đa
Trong mái ấm khang trang, sạch sẽ nằm sâu ở ngõ nhỏ số nhà 25/ ngách 23 ngõ 39 phố Hào Nam, phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa, bà Nguyễn Thị Trung vui mừng chuẩn bị bàn, ghế, trà nước tiếp khách là các đại biểu lãnh đạo Hội LHPN TP, quận và cơ cở cùng cán bộ hội viên phụ nữ tại khu dân cư đến thăm, chúc mừng và bàn giao mái ấm tình thương.